Bài 3: Giới thiệu một số quy trình mẫu

BÀI 3: GIỚI THIỆU MỘT SỐ QUY TRÌNH MẪU

 

3.1. Quy trình kiểm tra đấu nối mạch

Đối với dự án nhà máy điện:

- Thông tin về nhà máy điện (NMĐ)và các tổ máy phát điện (MPĐ) sử dụng lưới điện phân phối có đề nghị đấu nối.

- Tính toán phương án đấu nối nhà máy điện vào hệ thống điện (HTĐ) Quốc gia gồm các nội dung:

+     Tổng quan về dự án, đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội khu vực xây dựng dự án.

+      Hiện trạng lưới điện và tình hình phát triển nguồn điện, phụ tải trong khu vực dự án.

+      Dự báo phụ tải và tình hình phát triển nguồn điện trong khu vực.

+      Dự kiến các phương án đấu nối NMĐ.

+      Phân tích, so sánh và lựa chọn phương án đấu nối NMĐ.

+      Phân tích so sánh ảnh hưởng đến HTĐ trong khu vực (điện áp, tần số, tỷ lệ tổn thất điện năng) trước và sau khi NMĐ đấu nối.

+      Quy mô đầu tư và giải pháp kỹ thuật chính của phương án đấu nối đề nghị.

+      Hệ thống đo đếm điện năng.

+      Hệ thống thông tin liên lạc và SCADA phục vụ công tác điều độ và giám sát từ xa.

+      Các giao tiếp với HTĐ Quốc gia như: Thiết bị hòa đồng bộ; thiết bị liên quan đến đấu nối và tách đấu nối NMĐ/tổ MPĐ từ HTĐ; phương thức nối đất phần nối lưới trực tiếp của NMĐ.

+      Tính toán phân bố công suất trên HTĐ tương ứng với các chế độ vận hành (bình thường, sự cố).

+      Các bản vẽ và phụ lục tính toán liên quan.

3.2. Quy trình kiểm tra thông mạch

Chỉ được phép tiến hành thử nghiệm thông mạch khi hoàn toàn không mang điện, sau khi đã thực hiện đầy đủ các thủ tục bàn giao với đơn vị quản lý. Nghiêm cấm tiến hành thử nghiệm mạch khi chưa làm đúng thủ tục bàn giao.

Trưởng nhóm công tác thử nghiệm phải có bậc an toàn từ bậc 4 trở lên, phải hiểu rõ sơ đồ mạch và biết sử dụng thành thạo các thiết bị thử nghiệm.

Trưởng nhóm thử nghiệm mạch có quyền từ chối không thực hiện công tác khi :

-      Xét thấy điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn .

-      Đơn vị quản lý không thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn cần thiết khi bàn giao.

3.2.1. Thử nghiệm mạch nhị thứ

-      Nắm rõ yêu cầu của công tác : Thử mới trước khi vận hành, thử nghiệm định kỳ, thử nghiệm sau khi  sửa chữa hay thử nghiệm sau sự cố.

-      Chuẩn bị thiết bị, nhân lực để thực hiện công tác.

-      Tiến hành thử nghiệm theo quy trình.

-      Lập biên bản thử nghiệm đánh giá tình trạng mạch nhị thứ được thử.

-      Thông báo kết quả , gửi biên bản thử nghiệm cho đơn vị quản lý.

3.2.2. Thử nghiệm mạch dòng điện dùng cho bảo vệ và đo lường

-      Thử nghiệm thông mạch nhị thứ của hệ thống bảo vệ và đo lường từ máy biến dòng điện đến hàng kẹp đấu dây của tủ bảo vệ và đo lường theo đúng bản vẽ thiết kế .

-      Thử nghiệm thông mạch nhị thứ từ hành kẹp đấu dây của tủ bảo vệ đến rơle bảo vệ và từ tủ đo lường đến các thiết bị đo lường đúng theo bản vẽ thiết kế.

-      Thử nghiệm ngắn mạch để xác định tỉ số biến dòng, thứ tự pha và cực tính của mạch dòng điện.

-      Đo điện trở cách điện của cáp nhị thứ : Pha – pha , Pha – vỏ (sử dụng Mêgômmet 500VDC ).

3.2.3. Thử nghiệm mạch áp dùng cho bảo vệ và đo lường

-      Thử nghiệm thông mạch nhị thứ của hệ thống bảo vệ và đo lường từ máy biến điện áp đến hàng kẹp đấu dây của tủ bảo vệ và đo lường theo đúng bản vẽ thiết kế.

-      Thử nghiệm thông mạch nhị thứ từ hàng kẹp đấu dây của tủ bảo vệ đến rơle bảo vệ và từ tủ đo lường đến các thiết bị đo lường.

-      Đo điện trở cách điện của cáp nhị thứ : Pha – pha , Pha – vỏ ( sử dụng Mêgômet 500VDC ) .

-      Sử dụng thiết bị thử nghiệm cấp áp từ từ đến điện áp định mức thứ cấp của máy biến điện áp để xác định thứ tự pha và cực tính (Sau khi đã cô lập đầu dây của cáp nhị thứ đấu vào thứ cấp của máy biến điện áp).

3.2.4. Thử nghiệm mạch điều khiển và tín hiệu

-      Thử nghiệm thông mạch nhị thứ hệ thống điều khiển và tín hiệu từ hàng kẹp đấu dây của các tủ thiết bị đến hàng kẹp đấu dây của tủ điều khiển và tín hiệu theo  đúng bản vẽ thiết kế .

-      Thử nghiệm thông mạch nhị thứ từ hàng kẹp đấu dây của tủ điều khiển đến các thiết bị điều khiển và tín hiệu theo đúng bản vẽ thiết kế.

-      Đo điện trở cách điện cáp nhị thứ : Pha – pha , Pha – vỏ ( sử dụng Mêgômet 500VDC).

-      Cấp nguồn DC theo đúng điện áp định mức để điều khiển đóng, mở thiết bị, và tín hiệu phải hoạt động đúng chức năng theo thiết kế.

3.2.5. Thử nghiệm mạch cấp nguồn DC cho hệ thống điều khiển và bảo vệ

-      Thử nghiệm thông mạch cáp nhị thứ từ CB tổng đến hàng kẹp đấu dây của tủ điều khiển và bảo vệ theo đúng bản vẽ thiết kế .

-      Thử nghiệm thông mạch nhị thứ từ hàng kẹp đấu dây của tủ điều khiển , bảo vệ đến các thiết bị điều khiển , tín hiệu và rơle bảo vệ theo đúng bản vẽ thiết kế.

-      Đo điện trở cách điện cáp nhị thứ : Pha – pha, Pha – vỏ.

-      Đóng CB tổng cấp nguồn và đo điện áp tại thiết bị điều khiển, tín hiệu và rơle bảo vệ phải đúng điện áp định mức và cực tính.

3.3. Quy trình kiểm tra chức năng làm việc của mạch

Kiểm tra cách điện của toàn bộ các thiết bị động lực bao gồm các bơm, quạt thông gió, biến áp chiếu sáng và trình đăng kiểm trước khi đóng điện và thử tải.

Hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống chiếu sáng chính, chiếu sáng ngoài và chiếu sáng sự cố và hệ thống động lực.

Nối các tuyến dây cấp nguồn vào hộp phân phối và vào bảng điện chính.

Nối các phụ tải của các hệ thống vào các bảng phân phối.

Nối dây nguồn cho hệ thống các thiết bị động lực theo thiết kế.

Đấu nối hệ thống khởi động của máy chính, máy phụ theo các tài liệu được cung cấp.

Đấu nối nguồn cho mạch chiếu sáng.

Đấu nối nguồn cho máy nạp ắc qui và bảng điện một chiều cung cấp cho mạch sự cố.

Kiểm tra thông mạch toàn bộ hệ thống và đóng điện thử các tuyến thông qua bảng điện chính.

3.4. Quy trình vận hành mạch

Thanh cái, đưa đường dây mới vào vận hành.

3.4.1. Thao tác máy cắt

Quy định chung về máy cắt

Máy cắt cho phép đóng, cắt phụ tải và ngắn mạch trong phạm vi khả năng cho phép của máy cắt.

Kiểm tra máy cắt đủ tiêu chuẩn đóng cắt trước khi thao tác.

Máy cắt cần phải được đưa ra kiểm tra, bảo dưỡng (theo quy trình vận hành máy cắt hoặc hướng dẫn của nhà chế tạo) trong các trường hợp sau:

- Đã cắt tổng dòng ngắn mạch đến mức quy định;

- Số lần cắt ngắn mạch đến mức quy định;

- Số lần thao tác đóng cắt đến mức quy định;

- Thời gian vận hành đến mức quy định.

Trước khi đưa máy cắt đang ở chế độ dự phòng vào vận hành, phải kiểm tra lại máy cắt và các bộ phận liên quan, đảm bảo máy cắt vận hành bình thường.

Việc tiến hành thao tác máy cắt chỉ cho phép khi mạch điều khiển ở trạng thái tốt và không chạm đất. Việc tiến hành thao tác trong trường hợp có chạm đất trong mạch điều khiển chỉ cho phép trong chế độ sự cố.

Sau khi thao tác bất kỳ máy cắt nào cũng phải kiểm tra chỉ thị tại chỗ trạng thái của máy cắt, khoá điều khiển của máy cắt nếu sau đó có thao tác tại chỗ dao cách ly hai phía của máy cắt đó.

  Phải kiểm tra trạng thái mở của máy cắt hợp bộ trước khi thao tác di chuyển từ trạng thái vận hành sang thí nghiệm hoặc ngược lại.

Việc đóng cắt thử máy cắt được thực hiện khi đảm bảo được một trong các yêu cầu sau:

Các dao cách ly hai phía của máy cắt được cắt hoàn toàn và chỉ đóng dao tiếp địa hoặc tiếp địa di động ở một phía của máy cắt này.

Nếu đóng dao cách ly một phía của máy cắt, phải cắt tất cả các tiếp địa của ngăn máy cắt này.

Cho phép kiểm tra trạng thái máy cắt theo chỉ thị của đèn tín hiệu và của đồng hồ đo lường mà không cần kiểm tra chỉ thị trạng thái tại chỗ trong các trường hợp sau:

Sau khi thao tác máy cắt, không thao tác dao cách ly hai phía của máy cắt này;

Sau khi thao tác máy cắt, việc thao tác dao cách ly hai phía máy cắt được thực hiện bằng điều khiển từ xa (tại phòng điều khiển trung tâm);

Thực hiện thao tác xa.

Các máy cắt đã có tổng dòng cắt ngắn mạch hoặc có số lần cắt ngắn mạch đến mức quy định nhưng khi cần thiết, sau khi đã kiểm tra máy cắt đủ tiêu chuẩn vận hành và được sự đồng ý của giám đốc hoặc phó giám đốc kỹ thuật đơn vị quản lý vận hành thiết bị thì cho phép được cắt sự cố thêm.

3.4.2. Thao tác dao cách ly

Dao cách ly được phép thao tác không điện hoặc thao tác có điện khi dòng điện thao tác nhỏ hơn dòng điện cho phép theo quy trình vận hành của dao cách ly đó do đơn vị quản lý vận hành ban hành. Cho phép dùng dao cách ly để tiến hành các thao tác có điện trong các trường hợp sau:

Đóng và cắt điểm trung tính của các máy biến áp, kháng điện;

Đóng và cắt các cuộn dập hồ quang khi trong lưới điện không có hiện tượng chạm đất;

Đóng và cắt chuyển đổi thanh cái khi máy cắt hoặc dao cách ly liên lạc thanh cái đã đóng;

Đóng và cắt không tải thanh cái hoặc đoạn thanh dẫn;

Đóng và cắt dao cách ly nối tắt thiết bị;

Đóng và cắt không tải máy biến điện áp, máy biến dòng điện;

Các trường hợp đóng và cắt không tải các máy biến áp lực, các đường dây trên không, các đường cáp phải được đơn vị quản lý vận hành thiết bị cho phép tùy theo từng loại dao cách ly.

Các bộ truyền động cơ khí hoặc tự động của các dao cách ly dùng để đóng cắt dòng điện từ hóa, dòng điện nạp, dòng điện phụ tải, dòng điện cân bằng cần phải đảm bảo hành trình nhanh chóng và thao tác dứt khoát.

Trước khi thực hiện thao tác dao cách ly hai phía máy cắt thì phải kiểm tra máy cắt đã cắt tốt 3 pha, khoá điều khiển máy cắt nếu dao cách ly đó được thao tác tại chỗ.

Thao tác tại chỗ dao cách ly phải thực hiện nhanh chóng và dứt khoát, nhưng không được đập mạnh ở cuối hành trình. Trong quá trình đóng (hoặc cắt) dao cách ly nghiêm cấm cắt (hoặc đóng) lưỡi dao trở lại khi thấy xuất hiện hồ quang.

Sau khi kết thúc thao tác dao cách ly cần kiểm tra vị trí các lưỡi dao phòng tránh trường hợp chưa đóng cắt hết hành trình, lưỡi dao trượt ra ngoài hàm tĩnh.

Ngày:19/03/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM